Mai Xuân Vỹ
23/05/2018


Phạm Duy & The Dreamers (Hội Việt Mỹ - Đường Mạc Đĩnh Chi , Saigon, 1974)

Tôi ngồi uống café với Duy Cường, nghe anh kể về những sinh hoạt Nhạc Trẻ của Saigon thập niên 70s. Và tôi như sống lại với anh cái thời Saigon với những L'Étranger, homme du midi,  những Néant, những Nothingness. Những cái tên làm thành cái không khí francophile của người Saigon thời đó: Christophe, Polnareff, Juvet, Sardou, Hardy, Vartan. Và những cái tên báo hiệu một sự thay đổi  ảnh hưởng văn hóa của Saigon –và của cả thế giới-: Paul Simon, Bob Dylan, Leonard Cohen.

Trong cái không khí "cổ kính" của Continental, Givral đại diện cho văn hóa 100 năm Pháp thuộc với những cái "được" và "mất" của Saigon kể từ khi thành Phụng bị san bằng, người Saigon bắt đầu làm quen với suy nghĩ thực tiễn của những hậu duệ của những người tiên phong khai hoang Tân Thế Giới khởi đi với Columbus. Những đóa hoa vàng năm cánh gắn trên những chiếc Honda Dame, trên đôi kính to bản của các thiếu nữ. Và chút phong vị hippie bàng bạc trên những con đường, những quán xá Saigon.

Ngay như tấm hình của toàn band The Dreamers trình diễn ở hội Việt Mỹ, với ông cụ anh Phạm Duy ôm đàn từ trong cánh gà bước ra như để giới thiệu một tiết mục mới, và với anh ngồi trước một cái grand piano cũng là một bằng chứng cho sự thay đổi văn hóa Saigon. Giới trẻ Saigon thời ấy đến đó học Anh Ngữ trực tiếp từ những giảng viên nói tiếng Anh giọng Texas như Van Cliburn, giọng miền Đông Boston, Philadelphia, hay giọng miền Tây California như John Steinbeck.

Có một điều ít ai biết. Duy Cường chính là "bộ óc", là engineer, là kiến trúc sư của The Dreamers. Các anh Duy Quang Duy Minh Duy Hùng của anh chỉ chơi đàn và hát, người phối hợp các tiếng đàn giọng hát ấy lại với nhau thành một tổng thể duy nhất chính là Duy Cường. Anh là người có cái nhìn bao quát, nhìn được cái kiến trúc, structure của một bài hát.

Và tôi nhớ lại . . .

Vào thời điểm bắt đầu của The Dreamers, Duy Cường chỉ độ 13, 14 tuổi. Và lúc anh đã là một thành viên kỳ cựu của The Dreamers, đã là một veteran trong giới nhạc trẻ Saigon thuở ấy như Đức Huy, Tuấn Ngọc, CBC, Phượng Hoàng, v.v… anh vẫn còn trong độ tuổi teen. Và tôi ý thức rất rõ tôi đang ngồi đối diện với một cây đại thụ trong làng nhạc Saigon thuở ấy.

Vào thập niên 80s, 90s ở hải ngoại và cả trong nước, không thể tưởng tượng anh nổi tiếng thế nào. Trong giới chuyên nghiệp, những nhạc sĩ trong nước đều biết anh, và cái tên Duy Cường trên bìa cassette –rồi sau này là Compact Disc - là một “nhãn hiệu” cầu chứng tạo tòa. Hồi ấy tôi đang mài đũng quần ở RMIT, Melbourne, là sinh viên nghèo rớt mồng tơi nhưng sẵn sàng móc ra những đồng cuối cùng để mua những CD có hàng chữ “Arranged by Duy Cường”.

Trong câu chuyện chừng như không dứt ấy, tôi chợt giật mình khi anh kể về tình bạn giữa hai anh Duy Quang và Trường Kỳ. Hai anh không nói chuyện với nhau nữa chỉ vì một chuyện không đâu. Trường Kỳ trong loạt bài về các nghệ sĩ Saigon cũ của anh đã có một nhận xét về Duy Quang. Anh Quang không vui. Và từ đó tình thân giữa hai người bạn rẽ đi một hướng khác.

Tôi giật mình vì nhớ đến một người ra đời 500 năm trước Công Nguyên: Phật Thích Ca. Ý Nghiệp Khẩu Nghiệp Thân Nghiệp. Tôi chợt giật mình vì cái “nghiệp” thứ hai Thích Ca dạy.

Có phải viết cũng là một dạng của Khẩu Nghiệp?

Tôi nhớ một tỳ kheo của ngài Ca Diếp, vì đáp sai một câu chuyển ngữ mà phải sống kiếp chồn hoang mấy trăm năm cho đến khi gặp được ngài Bách Trượng giải lời nguyền bằng một lời chuyển ngữ khác. Không may, Trường Kỳ đã không gặp được Bách Trượng của anh khi anh còn sống để giải lời nguyền. Anh mất lúc tình bạn của anh và Duy Quang vẫn ở trong ngõ cụt.

Trong một bài viết, tôi nhắc họa sĩ Bùi Quang Ngọc. Hôm sau nhận được email của Đặng Thơ Thơ. Chị cho tôi biết chị cũng ở Thanh Đa những năm ấy. Chị dạy guitar cho Hải Hoa, cô con gái nhỏ của họa sĩ, lúc chị còn là một thiếu nữ 20. Tôi cũng thường đến nhà họa sĩ khoảng thời gian ấy hoặc trước một chút. Vậy lúc ấy, tôi có thể chạm mặt chị ở một hành lang nào đó bên lô chữ Thanh Đa, hoặc ở chính tại nhà họa sĩ không chừng?

Và tôi nhớ lại lần đầu gặp họa sĩ. Tôi lúc ấy là cậu học trò mới lớn, kiến thức chỉ vừa cái lá mít. Vậy mà họa sĩ đã kiên nhẫn ngồi nghe tôi như nghe một người bạn vong niên. Họa sĩ học rất nhanh cách nói "ông, tôi" của người Saigon và áp dụng ngay với tôi. Hứng chí, tôi nói tràn cung mây về những điều tôi biết. Và cả những điều tôi tưởng tôi biết. Về sau nhớ lại, tôi mắc cỡ vì đã nói quá nhiều. Và vì nói nhiều, tôi sai nhiều. Đa ngôn đa quá. Như Thích Ca đã dạy về khẩu nghiệp.

Phần tôi. Bây giờ tôi vẫn nhớ những bài học họa sĩ đã dạy tôi ngày ấy. Joan Miró không hề có một chút la tinh nào cả nhé. Paul Klee không hề là formalist như trong các sách Liên Xô hay XHCN đâu, ông ấy là …sư tổ!

Tôi nhắc họa sĩ Bùi Quang Ngọc, và tôi nhận được lời chia sẻ của Đặng Thơ Thơ. Nhưng tôi không biết có bao nhiêu người đọc bài mà lòng dấy lên những phiền muộn mà tôi không hề biết? Trong bài ấy tôi đã đào xới lại những tro tàn của một căn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc hơn 30 năm trước. Và trong các bài viết khác, tôi nhắc đến một số -hay nhiều- người. Không biết tôi có tạo khẩu nghiệp cho mình không? Và ngay chính trong bài này, tôi có tạo khẩu nghiệp cho tôi khi tôi nhắc đến khẩu nghiệp của người khác?

*   *   *

Tôi lại nhớ Thích Ca khi xuôi ngược giảng thuyết trên xứ Ấn 2500 năm trước, các Bà la môn phản bác rủa xả Ngài về những điều Ngài nói. Ngài chỉ im lặng. Cho đến khi một Bà la môn trực tiếp đối mặt Ngài và cật vấn: Sao tôi công kích chửi rủa ông mà ông không trả lời? Thích Ca điềm đạm hỏi lại:

  • Này Bà la môn, ta hỏi ông, nếu như ông mở tiệc mời khách đến dự, rồi tặng quà cho họ khi họ ra về. Và giả như họ không nhận các món quà ấy thì những quà ấy rốt cuộc là cúa ai?
  • Vẫn là của tôi chứ ai
  • Cũng vậy. Ông rủa ta, ta không nhận thì thôi

Anh Duy Quang –và cả chính tôi nữa nếu như có ai đó viết về tôi như anh Trường Kỳ- đã nhận. Anh nhận và khổ nhọc mang theo đến lúc anh mất. Duy Cường là người theo anh về Mỹ và ở bên anh đến lúc anh thở hơi cuối cùng.

Tôi thở dài. Vẫn tiếng thở dài của hơn 30 năm trước: Un Sospiro. Tôi vẫn trầm luân trong những cho và nhận. Trầm mình trong những thị phi vô ích. Biết bao giờ tôi mới sáng suốt an nhiên tự tại như Thích Ca. “Ta không nhận thì thôi”.

Tôi nhớ lại những ngày tôi từ Saigon đạp xe qua cầu Kinh, đến Thanh Đa, rồi quay về. Lúc ấy tôi đang tập cái Étude của Liszt, khổ nhọc cố gắng “gò” cái mélodie ngũ cung ấy bằng ngón trỏ, ngón giữa của tay trái, và với ngón út ngón áp út của tay phải cho liền lạc và đều như một mélodie của chỉ một tay, và ráng giữ cho các arpèges –cũng được chơi đồng thời với mélodie- bằng cả hai tay phải trái- là một bè riêng biệt lúc ở trên lúc nằm dưới cái melodie ấy. Tôi đang học đàn với cô Lâu và không dám chơi bài ấy trước mặt Cô.

LisztUnSospiroLiszt
Liszt: Một Tiếng Thở Dài (Étude Concert Số 3, Giọng Rê Giáng Trưởng.Trang đầu)

Tôi chơi cho Trang –cô học trò cưng của Cô- nghe. Trang lặng lẽ ngồi vào đàn, chơi cái mélodie ấy như có một bàn tay thứ ba. Tôi ra về. Khổ nhọc mang về theo tôi cái Un Sospiro “nhận” từ Trang, và cứ mang đi mang về nặng nhọc như thế mỗi lần đạp xe qua cầu Kinh. Cho tới một lần, khi tôi tin chắc là cái Un Sospiro tôi chơi cũng có cái mélodie độc lập như thế. Tôi hăm hở đạp xe qua cầu kinh để rồi nghe lòng hụt hẫng khi biết được Trang đã không còn ở đó nữa. Trang đã đi thoát.

Liszt - Một Tiếng Thở Dài - Pianist: Jorge Bolet

Tôi đạp xe về cầu Kinh, chở theo nỗi buồn của mình, lòng rỗng như con sông cạn nước.

Chiều xuống. Sông Sài Gòn mênh mang uốn quanh bao bọc Thanh Đa. Ráng chiều đỏ nhuộm tím lòng sông. Và nước miên man chảy xiết dưới cầu.

Mai Xuân Vỹ
Saigon 23/05/2018



Liszt - Một Tiếng Thở Dài - Pianist: Valentina Lisitsa




 

Bình luận

Đăng Nhập/Xuất